Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia

Thứ tư - 22/05/2024 14:42 174 0

Sáng 22/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội báo cáo về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 - Ảnh: VGP/LS

Có 55% chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra đến năm 2025

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, lĩnh vực bình đẳng giới ngày càng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành. 

Theo đó, hệ thống văn bản pháp luật, chính sách tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Các văn bản quy phạm pháp luật khi được xây dựng hoặc sửa đổi bổ sung đều được đánh giá tác động, thực hiện lồng ghép giới đối với những văn bản có vấn đề về giới.

Công tác truyền thông về bình đẳng giới tiếp tục được tăng cường với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về thực hiện bình đẳng giới. Có sự phối hợp tương đối nhịp nhàng giữa các cấp, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong việc thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, góp phần mở rộng, thu hút các nguồn lực, sáng kiến để thực hiện hiệu quả lĩnh vực công tác này.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từng bước phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ đối tượng. Công tác thống kê, báo cáo kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới nói chung và việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong năm 2023 đạt kết quả tốt hơn so với những năm trước đây.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp vẫn còn hạn chế về số lượng, đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới thường luân chuyển, thiếu ổn định, ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai công tác bình đẳng giới. Nguồn kinh phí thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương cho công tác bình đẳng giới nói chung và cho việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025 và Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 vẫn còn khiêm tốn.

Công tác thống kê, thông tin, báo cáo về bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn gặp một số khó khăn do thiếu các công cụ theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thi hành pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch về bình đẳng giới, thông tin về giới ở nhiều lĩnh vực còn thiếu và chưa đồng bộ. Một số cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL chưa chủ động xác định vấn đề giới, trách nhiệm giới, nguồn lực để giải quyết vấn đề giới trong các dự thảo văn bản. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thẩm định văn bản và cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới trong đánh giá, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định.

Theo đó, đã có 55% chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra đến năm 2025, có 25% chỉ tiêu đạt 1 phần và tiệm cận so với mục tiêu đề ra, trong đó có 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022.

Với những nỗ lực đó, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Ngày 09/4/2024, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên Hợp Quốc đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027, điều này thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các các chính sách, thành tựu về thúc đẩy bình đẳng giới và nỗ lực hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này, đồng thời tin tưởng Việt Nam sẽ đóng góp tích cực vào việc điều hành của UN Women trong thời gian tới.

9 giải pháp trọng tâm về bình đẳng giới

Về một số giải pháp trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ: Tăng cường năng lực bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp, chú trọng bố trí đủ cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới, tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực để đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; trong đó tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bình đẳng giới (sửa đổi); phối hợp xây dựng, hoàn thiện Luật Chuyển đổi giới tính để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Tiếp tục xây dựng và ban hành các văn bản, tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; lồng ghép giới trong tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hiệu quả.

Đẩy mạnh việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện các chỉ tiêu còn đạt kết quả thấp. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chiến lược, chương trình, đề án về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Sơ kết, đánh giá giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược vào năm 2025, rà soát, đề xuất điều chỉnh, sửa đổi bổ sung đối với các mục tiêu, chỉ tiêu không còn phù hợp. Kịp thời nhận diện các vấn đề giới mới nổi để có các giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Xây dựng, lồng ghép Cơ sở dữ liệu thống kê về giới của quốc gia trong Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia. Tăng cường hợp tác, cung cấp và chia sẻ dữ liệu thống kê giới, tổ chức khảo sát, nghiên cứu để có các số liệu phục vụ cho công tác thống kê, báo cáo về bình đẳng giới.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; đẩy mạnh công tác truyền thông về bình đẳng giới.

Đẩy mạnh việc thực hiện công tác hợp tác, hội nhập quốc tế về bình đẳng giới; thực hiện tốt vai trò Thành viên Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ nhiệm kỳ 2025-2027.

Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XV - Ảnh: VGP/LS

Nhiều mục tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra

Trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Hệ thống pháp luật về bình đẳng giới ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và xu thế hội nhập quốc tế của đất nước nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ, nam giới và nhóm dễ bị tổn thương. 

Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được quan tâm. Nhận thức về bình đẳng giới trong cán bộ, nhân dân ngày càng chuyển biến tích cực. Mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng được gắn kết, củng cố.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bình đẳng giới còn một số tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị chưa tương xứng với trình độ, năng lực của phụ nữ hiện nay và chưa đạt được chỉ tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đầy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu 1 của Chiến lược đến năm 2025 không đạt.

Bên cạnh đó, lao động nữ còn chiếm phần lớn trong các ngành nghề thâm dụng lao động, trình độ chuyên môn thấp hoặc làm việc trong khu vực phi chính thức, thu nhập bình quân thấp hơn so với lao động nam. Mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa giảm, chỉ tiêu này cũng khó đạt vào năm 2025, sẽ dẫn tới những hậu quả về xã hội và nhân khẩu học, là một trong những nguyên nhân gây bất bình đẳng giới.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới; thực hiện nghiêm việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Chỉ đạo triển khai hiệu quả Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030”.

Thêm vào đó, cần triển khai có hiệu quả các đề án, chính sách, giải pháp để giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh; thích ứng với già hóa dân số, công nghệ số, thu nhập, việc làm, biến đổi khí hậu và giảm khoảng cách giới. Chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về bình đẳng giới. Tiếp tục có chính sách phù hợp trong ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người.

Ngoài ra, cần quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động, nội dung về bình đẳng giới, lập ngân sách có trách nhiệm giới trong các chương trình phát triển KT-XH; củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới. Chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Luật Bình đẳng giới, Luật Người cao tuổi; đánh giá việc thực hiện Chiến lược vào năm 2025, rà soát, điều chỉnh lại các chỉ tiêu của Chiến lược để bảm đảm phù hợp với thực tế.

Lê Sơn

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.8 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây