Phát huy vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập

Thứ hai - 11/09/2023 19:50 130 0

(TG) - Muốn có một xã hội học tập đúng nghĩa thì không thể coi nhẹ yếu tố gia đình học tập, dòng họ học tập. Xây dựng gia đình và phát triển văn hóa trong từng gia đình, từng dòng họ cũng chính là để xây dựng được về “chất” một xã hội học tập - yếu tố có vai trò cốt lõi trong quá trình phát triển và thịnh vượng của quốc gia - dân tộc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” (Ảnh: baochinhphu.vn)

“TRƯỜNG HỌC ĐẦU ĐỜI” NUÔI DƯỠNG VÀ HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH CỦA CON NGƯỜI

Giống như nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các dân tộc Á Đông, trong những truyền thống tốt đẹp đóng vai trò “giá trị gốc” để tạo nên những giá trị khác theo dòng chảy lịch sử, người Việt Nam từ xưa đã coi gia đình và dòng họ là nền tảng quan trọng để xác lập nên những phẩm chất tốt đẹp của con người. Chính từ gia đình và dòng họ, những giá trị như lòng trung thành, kính già nhường trẻ, tôn sư trọng đạo, biết ơn tiền nhân, trân trọng truyền thống… đã được thấm nhuần trong tâm hồn lớp lớp thế hệ người Việt.

Thực tiễn lịch sử đã khẳng định, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, gia đình cũng luôn đóng vai trò là “trường học đầu đời” nuôi dưỡng và hình thành nhân cách con người; là môi trường đầu tiên khuyến khích và tạo điều kiện cho việc học tập và đặt nền móng cho sự phát triển, sáng tạo, trưởng thành của mỗi thành viên. 

Nếu nói “gia đình là tế bào của xã hội”, thì cũng có thể coi gia đình là “hạt nhân của tế bào” hình thành nên dòng họ. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nhiều dòng họ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc dựng nước và giữ nước. Những dòng họ được ngưỡng vọng, trân trọng là những dòng họ có nhiều “hạt nhân” và “tế bào” tốt, được lưu truyền sử sách và được xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Về cơ bản, dù trải qua nhiều biến thiên, nhưng đến nay, các dòng họ của Việt Nam vẫn giữ được tính tổ chức bền chặt, nền nếp gia phong, trực tiếp hoặc gián tiếp đóng góp vào tiến trình phát triển của đất nước; củng cố, phát huy “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, trong đó có giá trị - truyền thống hiếu học, ham học, cầu tiến...

Không thể phủ nhận, quan hệ dòng họ là nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam. Dòng họ phát triển thì cộng đồng làng xã phát triển, đất nước phát triển. Như vậy, văn hóa gia đình là một bộ phận cấu thành văn hóa dòng họ, văn hóa dân tộc. Đất nước muốn có được “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, giữ gìn được văn hiến, phát triển được văn minh thì không thể không coi trọng và phát triển văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ. 

Muốn có một xã hội học tập đúng nghĩa thì không thể coi nhẹ yếu tố gia đình học tập, dòng họ học tập. Theo đó, xây dựng gia đình và phát triển văn hóa trong từng gia đình, từng dòng họ cũng chính là để xây dựng được về “chất” một xã hội học tập - yếu tố có vai trò cốt lõi trong quá trình phát triển và thịnh vượng của một quốc gia - dân tộc; góp phần phát triển con người Việt Nam toàn diện, có đủ phẩm chất, năng lực làm chủ bản thân, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và đơn vị tài trợ trao thưởng cho các em học sinh đỗ đại học điểm cao và thủ khoa ngày 3/10/2020. (Ảnh Trung Kiên/TTXVN) 

Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và đơn vị tài trợ trao thưởng cho các em học sinh đỗ đại học điểm cao và thủ khoa. (Ảnh: TTXVN)

Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh những yếu tố tích cực và các “thiết chế xã hội” mới, việc coi trọng gia đình và dòng họ vẫn luôn được xác định là một trong những nền tảng quan trọng để củng cố nhân cách, đạo đức cũng như những phẩm chất tốt đẹp khác của con người Việt Nam. Theo đó, cần không ngừng duy trì và đề cao những giá trị truyền thống và văn hóa đặc trưng của con người Việt Nam gắn liền với gia đình và dòng họ. Việc giữ gìn và bảo tồn những giá trị này không chỉ giúp duy trì bản sắc văn hóa mà còn định hình tính cách của con người Việt trong xã hội học tập. Bởi:

Thứ nhất, về tổng thể, chỉ có ở gia đình, dòng họ, mỗi cá nhân mới thực sự tìm thấy sự ấm áp, an toàn và yêu thương. Tình cảm, sự quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ, động viên khích lệ của gia đình và những người cùng huyết thống - dòng họ sẽ là “đòn bẩy” giúp mỗi thành viên có thêm sự tự tin, củng cố tinh thần, nâng cao bản lĩnh để đối mặt với khó khăn trong học tập và vượt qua thử thách trong cuộc sống. Đồng thời, phát triển tính tự lập và trách nhiệm, để từ đó biết quản lý thời gian, chủ động học hỏi, sẵn sàng đối diện với trách nhiệm cá nhân và cộng đồng. 

Thứ hai, gia đình và dòng họ đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thụ tri thức, kinh nghiệm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điều này giúp con người Việt Nam nhận thức và tiếp thu kiến thức mới, đồng thời kế thừa và phát triển những giá trị tốt đẹp từ quá khứ. Cùng với đó, đây cũng là môi trường quan trọng cho việc bảo tồn và truyền dạy bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt. Thực tế cho thấy, sự tự hào về nguồn gốc và danh dự gia đình là “chất xúc tác” rất lớn giúp con người Việt Nam khắc phục khó khăn, vươn tới ước mơ và đạt được thành công trong học tập, trong sự nghiệp. 

Thứ ba, gia đình và dòng họ là nguồn gốc hình thành đạo đức và phẩm chất của con người Việt Nam. Những giá trị về lòng kiên nhẫn, lòng kiên trì, lòng nhân ái và tình người là những phẩm chất tốt đẹp được xây dựng thông qua tình yêu thương và giáo dục của gia đình. 

Thực tiễn lịch sử đã khẳng định, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, gia đình cũng luôn đóng vai trò là “trường học đầu đời” nuôi dưỡng và hình thành nhân cách con người; là môi trường đầu tiên khuyến khích và tạo điều kiện cho việc học tập và đặt nền móng cho sự phát triển, sáng tạo, trưởng thành của mỗi thành viên.

KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI LÀ NHIỆM VỤ XUYÊN SUỐT ĐỂ PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC CỦA CON CHÁU

Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định một trong những quan điểm chỉ đạo là: “Đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục và đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học”; “…giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”. Trong các nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết 29 cũng chỉ rõ phải “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”…

Từ những nội dung nêu trên trong Nghị quyết 29 cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ đã thúc đẩy sự tác động của các trào lưu xã hội ảnh hưởng nhanh, tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của người dân trong một thế giới đầy biến động. Do đó, việc tăng cường xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời để tạo cơ hội học tập nhằm bồi đắp tri thức cho mọi người ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực để họ có đủ trình độ sàng lọc thông tin, phân biệt những ảnh hưởng tốt, chưa tốt của các trào lưu hiện nay. Sự bùng nổ internet, mạng xã hội, các ngành công nghiệp giải trí đã tác động vào lối sống, đặc biệt là của giới trẻ, tạo ra sự khác biệt giữa giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại đòi hỏi những cách tiếp cận mới về phát triển văn hóa trong mối tương quan giữa xây dựng xã hội học tập với văn hóa dân tộc và con người Việt Nam trong giai đoạn mới từ góc độ gia đình, dòng họ trong xã hội học tập để phát triển bền vững, hạn chế tác động tiêu cực từ văn hóa đồi trụy đến con người Việt Nam.

Trong thời gian qua, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng xã hội học tập đã được các cấp, ngành, hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, Hội Khuyến học Việt Nam đã phát huy vai trò nòng cốt trong liên kết, phối hợp, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nhằm phát triển kinh tế tri thức được hội khuyến học các cấp triển khai tích cực, các gia đình, dòng họ tiếp nhận, hưởng ứng một cách đồng thuận, thống nhất cao. Nhiều dòng họ coi việc khuyến học, khuyến tài là nhiệm vụ xuyên suốt để phát huy truyền thống hiếu học của con cháu, góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, tích cực dùng tri thức học tập để tạo lập cuộc sống cá nhân và cộng đồng sung túc, hạnh phúc hơn.

Mặc dù tư duy và nhận thức về phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam đã được nâng lên nhưng cần được nhìn nhận kết quả đó từ góc độ vai trò của gia đình, dòng họ một cách sâu sắc, thực tế và cụ thể hơn. Hiện nay, vai trò của gia đình, dòng họ trong vấn đề này rất lớn nhưng chưa thấy được đề cập nhiều trong các công trình nghiên cứu và lan tỏa trong xã hội, đặc biệt là về văn hóa giáo dục, nhất là khi nguyên lý giáo dục là sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội đang bị mờ nhạt, trong khi giáo dục là con đường tạo dựng hệ các giá trị văn hóa. Giáo dục là một thiết chế của văn hóa và giáo dục cũng chính là văn hóa - học để phát triển văn hóa, đó là quan hệ nhân quả, không thể tách rời.

Nhận rõ được vai trò của gia đình, dòng họ, từ năm 2011 đến nay, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã đề nghị và đã được Chính phủ chấp nhận, giao nhiệm vụ thực hiện các mô hình học tập, trong đó, có mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”. Mục đích của việc thực hiện các mô hình này là vận động người dân học tập, học tập suốt đời bồi đắp tri thức, xây dựng xã hội học tập ở nước ta để xây dựng đất nước phát triển toàn diện bằng tri thức. Đây là cách phát triển bền vững nhất. Kết quả đạt được qua việc thực hiện các mô hình học tập nêu trên thể hiện rõ nét: Gia đình, dòng họ đóng vai trò hết sức quan trọng trong giáo dục truyền thống, phát triển toàn diện kinh tế xã hội, văn hóa - giáo dục, an ninh quốc phòng... của địa phương. Được chính quyền các cấp và xã hội đánh giá cao. Do đó đã đến lúc cần đánh giá một cách toàn diện hơn vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam thông qua việc thực hiện các mô hình học tập từ gia đình, dòng họ, để từ đó có kiến nghị với lãnh đạo các cấp quan tâm đến phát triển văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ - một trong các giải pháp phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng khi chúng ta đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

TRÁCH NHIỆM TẠO CƠ HỘI HỌC TẬP CHO CÁC THÀNH VIÊN TRONG GIA ĐÌNH

Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình, dòng họ, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình, văn hóa giáo dục. 

Để phát huy vai trò của gia đình, dòng họ nhằm thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới, nhiều giải pháp tổng thể và cụ thể đã được Đảng, Nhà nước, ngành Giáo dục - đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam cũng như các chuyên gia, nhà khoa học xác định. Về cơ bản, trước mắt và trong thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể trong hệ thống chính trị và mỗi người dân cần thường xuyên nắm rõ và quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tổ chức triển khai tốt hơn nữa và xác định là nhiệm vụ thường xuyên trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về công tác xây dựng gia đình, công tác giáo dục con người Việt Nam. 

Lễ tuyên dương tiến sĩ, thạc sĩ và trao thưởng cho các cháu học sinh giỏi gia tộc Nguyễn Văn

Lễ tuyên dương tiến sĩ, thạc sĩ và trao thưởng cho các cháu học sinh giỏi gia tộc Nguyễn Văn.

Hai là, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, truyền thông nhằm không ngừng nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc của các tầng lớp nhân dân về vai trò của gia đình, dòng họ trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và cung cấp nguồn lực con người và giữ vững ổn định xã hội, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững đất nước. 

Ba là, đổi mới mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của gia đình, dòng họ; lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ; các mô hình gia đình văn hóa, các phong trào thi đua và điển hình tiêu biểu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam, góp phần xây dựng, phát triển và chấn hưng nền văn hóa Việt Nam.

Bốn là, các chủ trương, chính sách, giải pháp cần cụ thể hơn nữa. Phải coi việc phát triển xã hội học tập là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia. Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập là mục tiêu quan trọng trong việc xây dựng tương lai sáng tạo và tiến bộ, xây dựng xã hội năng động, thích nghi với những thách thức của thế giới hiện đại. Do đó, vấn đề mấu chốt vẫn là cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng, tạo điều kiện cho mọi người được tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng, khuyến khích tinh thần học tập trong cộng đồng, phát triển nền giáo dục có chất lượng, gắn kết mật thiết với thực tiễn. 

Năm là, mỗi gia đình, dòng họ phải có trách nhiệm tạo cơ hội học tập cho các thành viên trong gia đình để có tri thức, có lối sống văn hóa, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường phát triển toàn diện con người Việt Nam trong tương lai, góp phần phát triển một xã hội hiếu học, biết học, biết tạo ra những nhu cầu học tập và có đầy đủ khả năng thoả mãn mọi nhu cầu học tập. 

Gia đình và dòng họ nên khuyến khích con cháu tham gia vào học tập và nghiên cứu, đồng thời cung cấp môi trường thuận lợi để học tập và phát triển. Khuyến khích sự tò mò và khám phá, giúp con người Việt Nam phát triển tư duy sang tạo. Việc tuyên dương và khen thưởng con cháu có thành tích tốt trong học tập, cống hiến trong các ngày giỗ hay họp mặt dòng họ có tác dụng động viên và khuyến khích rất lớn cho các thế hệ trẻ

Mọi công dân phải có trách nhiệm với gia đình, với xã hội và có quyền được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân tốt, công dân số, công dân toàn cầu. Xây dựng những mô hình học tập trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phải được thực hiện gắn kết với các tiêu chí xây dựng các mô hình văn hóa, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

Nhận rõ được vai trò của gia đình, dòng họ, từ năm 2011 đến nay, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã đề nghị và đã được Chính phủ chấp nhận, giao nhiệm vụ thực hiện các mô hình học tập, trong đó, có mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”. Mục đích của việc thực hiện các mô hình này là vận động người dân học tập, học tập suốt đời bồi đắp tri thức, xây dựng xã hội học tập ở nước ta để xây dựng đất nước phát triển toàn diện bằng tri thức. Đây là cách phát triển bền vững nhất.

THẾ HOÀNG

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Tạp chí Tuyên giáo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây