Viết cho ngày khai trường: “Thế giới và tương lai các em ðang rộng mở”

Thứ hai - 11/09/2023 11:22 190 0

BTN - Năm học 2023-2024 đã bắt đầu. Đây là năm học đầu tiên, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai ở lớp 4, 8 và 11.

Học sinh Trường THPT Tây Ninh trong ngày khai giảng năm học mới

Năm học này cũng là năm học cuối cùng của lớp 12 theo Chương trình giáo dục năm 2000 (còn gọi bằng cái tên Chương trình giáo dục năm 2006) đối với giáo dục phổ thông.

Vững tin kiến tạo giá trị mới cho thế hệ trẻ

Trong thư gửi ngành Giáo dục nhân ngày khai trường, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng viết: “Thế giới và tương lai các em đang rộng mở. Thầy cô, cha mẹ và đất nước luôn quan tâm, tạo những điều kiện tốt nhất để các em phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất, phát huy sở trường cá nhân, trở nên đặc biệt theo cách riêng của mình và trở thành một phần đáng tự hào của Tổ quốc, dân tộc Việt Nam, tự tin bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu. Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, “sánh vai với các cường quốc năm châu” chỉ đạt được khi đất nước có những công dân trí tuệ và phẩm giá, biết yêu gia đình, Tổ quốc, đồng bào mình; sống tử tế và làm việc hiệu quả; dám bảo vệ lẽ phải, dũng cảm và tỉnh táo chống lại những điều xấu, cái ác… Trong tiếng trống tựu trường hân hoan của mùa Thu năm nay, tôi thân ái chúc các em học sinh, sinh viên, các cô giáo, thầy giáo, cán bộ ngành Giáo dục và các bậc phụ huynh bước vào năm học mới với khí thế mới, cùng thi đua dạy tốt, học tập tốt, rèn luyện tốt, có nhiều tiến bộ và thành tựu mới. Dù còn đó những băn khoăn, trăn trở khi bước vào năm học mới, song tất cả chúng ta hãy vững vàng tiến bước, vượt qua khó khăn, kiến tạo những giá trị mới mẻ và thiết thực cho thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước”.

Cùng với sự phát triển của xã hội, giáo dục đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia. Vai trò của giáo dục đối với xã hội được thể hiện ở 4 khía cạnh chính, bao gồm: nâng cao dân trí ở mọi quốc gia, dân tộc; cung cấp nguồn nhân lực có trình độ; bảo vệ thể chế chính trị của đất nước; bồi dưỡng nhân tài, xây dựng đội ngũ lao động. Con người là chủ thể chính trong hoạt động giáo dục và đào tạo. Giáo dục giúp lưu giữ, truyền đạt tri thức, kỹ năng từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần rèn luyện đạo đức và hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân. Chính vì thế, vai trò của giáo dục đối với con người là vô cùng to lớn, không thể thay thế trong xã hội hiện đại.

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn

Ngày 16.8, lần đầu tiên trong lịch sử ngành Giáo dục nước nhà, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có cuộc gặp gỡ (trực tuyến) với gần 1 triệu giáo viên, cán bộ ngành Giáo dục trong cả nước. Trước khi sự kiện diễn ra, thông qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận hơn 6.200 ý kiến, trong đó có khoảng 6.000 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt; hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.

Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã triển khai sang năm thứ tư, chỉ còn một năm nữa, Chương trình đi trọn một vòng (từ lớp 1 đến lớp 12). Qua ba năm triển khai, ưu điểm, hạn chế của Chương trình đã được bàn luận, thảo luận rất nhiều, trên mọi góc độ. Khác với mọi lĩnh vực, giáo dục không có tính phân chia vùng miền, nông thôn hay thành thị, đồng bằng hay miền núi. Cả nước thực hiện một chương trình thống nhất, do đó, một vấn đề giáo dục nào đó xảy ra ở địa phương này cũng có thể đại diện cho một địa phương khác.

Ba năm triển khai, không ít bất cập, hạn chế đã xuất hiện. Có rất nhiều nguyên nhân, yếu tố khác nhau dẫn đến những hạn chế, bất cập nảy sinh khiến cơ sở giáo dục, nhà trường có lúc lúng túng, bị động. Tinh thần, chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện ngành Giáo dục là hoàn toàn đúng, điều này được ghi rõ trong Nghị quyết 29 của Trung ương và các quyết sách sau đó của Quốc hội, Chính phủ và bộ, ban ngành liên quan.

Những bất cập trong chương trình, thời điểm này chỉ có thể điều chỉnh, sửa chữa, ví dụ dạy học theo phân hoá ở cấp THPT, tích hợp ở cấp THCS và một số vấn đề khác thuần tuý chuyên môn. Việc thay đổi hoàn toàn chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận xu hướng giáo dục của quốc tế hoàn toàn không đơn giản. Cuộc tìm tòi nào cũng gặp rắc rối. Bởi lẽ, cái mới không phải bao giờ cũng được ủng hộ, vì cái mới chưa chắc đã đúng, đã phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước.

Đội ngũ giáo viên- người trực tiếp đứng lớp dạy học đã và đang thành một câu chuyện chưa có hồi kết. Năm học này, cả nước thiếu 118.000 giáo viên ở các cấp, bậc học. Số lượng, tỷ lệ thiếu giáo viên trong cả nước nói chung, Tây Ninh nói riêng, chỉ mới tính ở mức định biên tối thiểu. Trong trường hợp giảm số học sinh ở mỗi lớp học, giảm số giờ lao động hàng tuần của giáo viên, số lượng giáo viên còn thiếu nhiều hơn con số thống kê hiện tại. Chế độ chính sách, phương thức, cơ chế tuyển dụng, đào tạo giáo viên đã và đang tồn tại nhiều bất hợp lý. Đây là nguyên nhân chính khiến giáo viên thừa, thiếu hoặc vừa thừa vừa thiếu.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn từng phát biểu trước Quốc hội rằng, ngành Giáo dục nắm tất cả, trừ con người và tài chính, do đó, một mình Bộ không giải quyết được mọi vấn đề của ngành. Hai năm qua, thống kê, gần 40.000 giáo viên trong cả nước nghỉ việc, bỏ việc. Dịch chuyển trong lao động là điều bình thường, nhưng đối với ngành Giáo dục, chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục ngàn giáo viên bỏ việc, khó có thể nói bình thường.

Việt Đông

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây