Xây dựng quy định pháp luật về tư pháp với người chưa thành niên bảo đảm tính nhân văn, giáo dục

Chủ nhật - 23/06/2024 12:49 108 0

Trước xu hướng tội phạm trẻ hóa như hiện nay, đại biểu Quốc hội cho rằng cần cân nhắc cẩn trọng trong việc xây dựng các quy định pháp luật về tư pháp đối với người chưa thành niên để vừa bảo đảm tính nhân văn và tạo điều kiện để người chưa thành niên phạm tội nhận thức, khắc phục, sửa chữa sai lầm, vừa bảo đảm tính giáo dục, răn đe.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, sáng 21/6/2024. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội ra xét xử riêng là cần thiết

Sáng 21/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo luật, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) đề cập đến quy định tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội ra giải quyết riêng quy định trong dự thảo luật.

Đại biểu cho rằng, việc tách vụ án khi có người chưa thành niên phạm tội ra để giải quyết độc lập và ưu tiên giải quyết thủ tục rút gọn là cần thiết nhằm bảo đảm quyền lợi cho người chưa thành niên phạm tội, đúng với quy định chủ trương của Đảng, Nhà nước và Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) phát biểu thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Về nguyên tắc tách vụ án để giải quyết bằng các thủ tục thân thiện, đại biểu cho rằng, hiện tại những vụ án có người chưa thành niên thì tòa án đang phải xử ở phòng xử của người trưởng thành, không thể thực hiện được chính sách ưu việt, nhân văn cho người chưa thành niên.

Nếu để điều tra, truy tố, xét xử chung với người lớn sẽ vướng mắc, hạn chế khi phân công người tiến hành tố tụng để đấu tranh với chủ mưu, cầm đầu là đối tượng côn đồ chuyên nghiệp, đối tượng nguy hiểm.

Đại biểu cũng cho rằng, việc tách vụ án để bảo đảm xác định sự thật vụ án khách quan, đúng đắn nhất bởi khi ra tòa, đối mặt với đối tượng chủ mưu cầm đầu, đối tượng côn đồ, nguy hiểm… sẽ làm cho các em có tâm lý lo sợ, không dám khai đúng sự thật; có thể các em sẽ khai báo quanh co, sai sự thật vì sợ, vì vậy cần tách ra xử riêng.

Mặt khác, việc tách vụ án giải quyết riêng, vừa bảo đảm khách quan, khoa học, hiệu quả, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên, ngoài ra còn bảo đảm việc đánh giá, thống kê chính xác tình hình tội phạm, số liệu vụ việc, nguyên nhân dẫn đến người chưa thành niên phạm tội, từ đó các cơ quan quản lý nhà nước có những giải pháp phòng ngừa, hạn chế tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên hiệu quả hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Tranh luận thêm với các đại biểu Quốc hội về tách án hình sự với người chưa thành niên phạm tội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, điều này phù hợp với các chính sách mới được quy định trong luật này.

Theo đại biểu, dự thảo luật bổ sung quy định rút ngắn thời hạn tố tụng. Luật hiện hành đang quy định thời hạn tố tụng của người lớn bằng trẻ em. Tuy nhiên, dự thảo luật đã đáp ứng yêu cầu công ước quốc tế về thời hạn tố tụng, trong đó quy định: "Thời hạn tố tụng của trẻ em bằng một nửa so với người lớn".

Ngoài ra, về quy định xử lý chuyển hướng, luật hiện hành không cho phép được trừ thời gian áp dụng biện pháp này vào thời gian giải quyết vụ án. Điều này gây áp lực và e ngại cho cán bộ giải quyết án. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo luật cho phép trừ thời gian áp dụng biện pháp chuyển hướng vào thời gian giải quyết vụ án.

"Trường hợp này, nếu không quy định tách vụ án với người chưa thành niên dẫn đến thời hạn giải quyết tố tụng với người lớn đã hết, nhưng thời hạn giải quyết trẻ em vẫn còn, trong khi chưa kết thúc vụ án", đại biểu nêu bất cập.

Trước vấn đề này, dự thảo luật bổ sung nguyên tắc mới là "mọi thông tin người chưa thành niên được bảo mật trong toàn bộ quá trình giải quyết án". Nếu gộp vụ án có cả người chưa thành niên và người lớn sẽ dẫn đến việc phải thông tin đầy đủ 2 đối tượng trong cáo trạng và kết luận điều tra, bản án về diễn biến hành vi phạm tội, nhân thân của họ. Điều này dẫn đến vi phạm nguyên tắc vừa bổ sung trên.

Ngoài ra, nếu gộp vụ án có cả người chưa thành niên và người lớn, trẻ em sẽ tiếp cận với đầy đủ mưu mô, thủ đoạn, hành vi phạm tội của người lớn phạm tội.

Điều này sẽ không vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên cũng như yêu cầu về giáo dục, đào tạo nhân cách để tái hòa nhập cộng đồng. Do vậy, đại biểu tán thành với quy định tách tách án hình sự với người chưa thành niên phạm tội nhằm đáp ứng những quy định tiến bộ, nhân văn của dự thảo luật.

Cần quy định rõ nguồn lực giám sát thực hiện các biện pháp xử lý chuyển hướng

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Quan tâm thảo luận về biện pháp xử lý chuyển hướng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, Điều 36 dự thảo luật hiện đang quy định về 12 biện pháp xử lý chuyển hướng, trong đó có 3 biện pháp theo đại biểu cần cân nhắc kỹ về tính khả thi, bao gồm biện pháp “cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới”, “hạn chế khung giờ đi lại” và “cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới”.

Đại biểu cho rằng, những biện pháp này nghe thì hợp lý nhưng thực tế đi vào thực hiện hiệu quả thì sẽ khó khăn, bởi không có nhân lực để hàng ngày, hàng giờ giám sát việc gặp ai, đi tới đâu, đi vào những khung giờ nào của người chưa thành niên, trong khi các biện pháp này, theo quy định của dự thảo luật có thời gian áp dụng ít nhất là 3 tháng cho tới 1 năm.

Để những biện pháp này có tính khả thi và hiệu quả, đại biểu Nga cho rằng, cần phải quy định rất rõ, đặc biệt là việc chuẩn bị nguồn nhân lực và trang thiết bị để phục vụ nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các biện pháp xử lý chuyển hướng của người chưa thành niên phạm tội.

Về nội dung này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cũng cho rằng, cần có đánh giá, làm sáng tỏ hơn tính khả thi, nguồn lực để thực hiện các biện pháp “cấm tiếp xúc, hạn chế khung giờ đi lại”, “quản thúc tại gia đình”, “cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội”.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) đề xuất cần xây dựng thêm các quy định liên quan đến xử lý chuyển hướng, cũng như tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp để nâng cao năng lực áp dụng xử lý chuyển hướng.

Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển các chương trình, dịch vụ tại cộng đồng giúp người chưa thành niên được xử lý chuyển hướng nhanh chóng hòa nhập xã hội và không tái phạm.

Xử lý chuyển hướng đề cao sự tự nguyện của người chưa thành niên

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc xử lý chuyển hướng trong dự thảo luật có nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn, đề nghị mở rộng độ tuổi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng với người từ 12-14 tuổi.

Tuy nhiên, Chánh án thông tin, theo Bộ luật Hình sự hiện hành, người dưới 14 tuổi phạm tội không chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, độ tuổi được tính toán theo quy định hiện hành là không quy định đây là tội phạm.

Về điều kiện áp dụng, dự thảo luật quy định điều kiện "phải tự nguyện". Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, mục tiêu của xử lý chuyển hướng là các cháu phải tự nguyện và thấy được thiếu sót của mình để thành tâm sửa chữa.

Theo Chánh án, điều kiện tự nguyện là bắt buộc, còn nếu các cháu đứng trước 2 lựa chọn khi đã bị tình nghi phạm tội, hoặc đồng ý chuyển hướng, hoặc đồng ý điều tra, truy tố, xét xử.

“Luật cho các cháu lựa chọn, nhưng tôi tin cả phụ huynh và các cháu đều lựa chọn biện pháp xử lý chuyển hướng. Nếu không tự nguyện sửa chữa theo cơ hội mà xã hội và luật pháp đưa ra, sẽ kích hoạt quy trình tố tụng về điều tra, truy tố, xét xử thông thường”, Chánh án nói.

Tương tự như vậy, về quy định hình phạt tiền, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, luật pháp không đặt nặng câu chuyện tiền bạc.

"Đối với các cháu có thừa kế, tài sản, việc đồng ý nộp tiền chính là việc thành tâm khắc phục hậu quả. Đây là điều chúng ta cần, chứ không nặng nề phải là 50 hay 100% số tiền khắc phục. Các cháu tự nguyện khắc phục và nộp tiền vi phạm đã thể hiện trách nhiệm sửa chữa lỗi lầm", Chánh án cho biết.

Về quy định cấm đến địa điểm có nguy cơ tiếp xúc với người phạm tội mới, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ sẽ cấm như thế nào, theo khung giờ ra sao?

Chánh án cho biết, việc cấm này sẽ phụ thuộc vào vi phạm của người chưa thành niên: “Nếu các cháu hay ăn cắp ở siêu thị, sẽ cấm đến siêu thị. Nếu xâm hại tình dục trẻ em thì cấm đến nơi tập trung trẻ em. Vi phạm về ma túy sẽ cấm đến các địa điểm phức tạp về ma túy… Điều này phụ thuộc vào hành vi của người chưa thành niên”.\

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Nhân Dân điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây