Cẩn trọng với các dịch bệnh mùa mưa

Thứ sáu - 09/06/2023 21:00 114 0

Tây Ninh đang bước vào mùa mưa, thời tiết nóng ẩm là thời điểm thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus… bùng phát, tấn công và gây bệnh cho con người, đặc biệt đối với trẻ em.

Cha mẹ cần lưu ý kỹ các dấu hiệu từng bệnh, không chủ quan và đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.

Tay chân miệng, sốt xuất huyết gia tăng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh, vào thời điểm đầu mùa mưa, trẻ em thường mắc các bệnh truyền nhiễm (viêm họng, viêm amidan, viêm phổi, thuỷ đậu, sởi, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết...).

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện có 3 loại bệnh cùng lưu hành và dễ nhầm lẫn với nhau là sốt xuất huyết, tay chân miệng và Covid-19, trong đó có trường hợp đồng nhiễm xảy ra ở trẻ em, như vừa mắc tay chân miệng vừa mắc Covid-19, vừa sốt xuất huyết vừa mắc Covid-19, vừa tay chân miệng vừa sốt xuất huyết.

Thống kê đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 563 ca mắc sốt xuất huyết, 74 ca mắc bệnh tay chân miệng, không có ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, cả hai bệnh dịch này đều giảm, trong đó, sốt xuất huyết giảm 1.698 ca (75,1%), bệnh tay chân miệng giảm 197 ca (72,69%).

Theo bác sĩ Trần Huyền Trân- Phó Giám đốc CDC Tây Ninh, mặc dù số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng đây mới là thời điểm bắt đầu mùa mưa. Ngành Y tế tỉnh đã chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng.

Đặc biệt tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh tại các khu dân cư, nhà trọ và trường học. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý kỹ các dấu hiệu của từng bệnh, không chủ quan và đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.

7 ca tử vong vì Covid-19, người dân còn chủ quan

Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát nhưng vẫn diễn biến phức tạp, khó lường do virus liên tục thích ứng, tiến hoá với các biến chủng mới, trong khi đó, hiệu lực bảo vệ của vaccine suy giảm theo thời gian, các điều kiện để virus phát triển như thời tiết, khí hậu tiếp tục có nhiều thay đổi.

Mặt khác, các loại dịch bệnh mới phát sinh, các bệnh thông thường, dịch bệnh theo mùa, người dân có tâm lý lơ là, chủ quan với dịch bệnh nên chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, nguy cơ “dịch chồng dịch” rất cao.

Từ đầu mùa dịch đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 140.247 ca mắc Covid-19, với 951 ca tử vong. Riêng trong tháng 5.2023, có 505 ca mắc, tăng 351 ca so với tháng 4.2023, tăng 243 ca (92,75%) so với cùng kỳ năm 2022, đồng thời, ghi nhận 7 ca tử vong vì Covid-19; trong đó, huyện Tân Biên 2 ca, thành phố Tây Ninh 1 ca, thị xã Hoà Thành 3 ca và huyện Châu Thành 1 ca.

Theo bác sĩ Trần Huyền Trân, CDC Tây Ninh tiếp tục duy trì hoạt động đội đáp ứng nhanh tại các tuyến, sẵn sàng với mọi tình huống dịch bệnh, thay đổi hình thức cách ly, quản lý bệnh nhân Covid-19 phù hợp với tình hình thực tế; tăng cường công tác tiêm chủng cùng các hoạt động chuyên môn để phòng, chống dịch.

Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp truyền thông, phối hợp liên ngành, nhưng tỷ lệ tiêm chủng của các nhóm đối tượng vẫn chưa đạt chỉ tiêu Bộ Y tế giao. Nguyên nhân, người dân chủ quan, hoặc lo sợ các phản ứng sau tiêm nên không đồng ý tiêm, gây khó khăn trong vấn đề dự trù vaccine dẫn đến tình trạng vaccine hết hạn, lãng phí.

Tính đến nay, tỉnh đã tiếp nhận 3.189.784l/3.244.084 liều vaccine được phân bổ, tuy nhiên vẫn còn 5.409 liều đang tồn, 69.958 liều tại tỉnh chờ huỷ và 54.300 liều tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh. Theo CDC, 6 tháng cuối năm 2023, tỉnh đề xuất nhu cầu phân bổ gần 9.000 liều vaccine cho các đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi, 18 tuổi trở lên và từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Sức đề kháng của trẻ em còn yếu nên khi thời tiết chuyển mùa rất dễ bị các loại vi khuẩn, virus tấn công, gây bệnh.

Cần tăng cường tuyên truyền, vận động

Giai đoạn giao mùa là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nhiều loại dịch bệnh, có thể xảy ra tình trạng dịch chồng dịch. Để phòng tránh, ngành Y tế kiến nghị các ngành, các cấp tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng, chống dịch và hưởng ứng các đợt tiêm vaccine phòng Covid-19, đồng thời nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Đặc biệt, phối hợp liên ngành với ban quản lý các khu công nghiệp để nâng cao ý thức, tỷ lệ tiêm chủng, chủ động sắp xếp thời gian làm việc để công nhân lao động được tiêm chủng theo thời gian quy định.

Phó Giám đốc CDC tỉnh khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng, tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ, tham gia tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

Các đơn vị cần tính toán nhu cầu cũng như khả năng sử dụng vaccine của địa phương mình để cân đối, dự trù vaccine phòng Covid-19 phù hợp, tránh lãng phí. Thúc đẩy tiêm vaccine phòng Covid-19 đạt mục tiêu đề ra Chính phủ đề ra, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao.

“Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, tập trung thông tin về lợi ích, tác dụng của vaccine, bám sát xu hướng tâm lý của người dân, xã hội, nâng cao sự tin tưởng của cộng đồng và vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch”- bác sĩ Trần Huyền Trân đề nghị.

Đối với vấn đề cấp hộ chiếu vaccine, ông kiến nghị các đơn vị tiêm chủng tập trung thực hiện truy xuất dữ liệu chi tiết, lập danh sách đối tượng tiêm chủng Covid-19 tại điểm tiêm, lọc danh sách theo từng địa phương, gửi trực tiếp Công an xã, phường, thị trấn để xác minh, đối chiếu.

Tâm Giang

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây