Hoàn thiện hệ thống an sinh, phúc lợi xã hội bao trùm, bền vững vì hạnh phúc của nhân dân

Thứ ba - 07/11/2023 10:50 150 0

Chính sách xã hội là chính sách đối với con người, vì con người, có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống chính sách của Đảng, Nhà nước, thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần quan trọng trong bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển của đất nước.

Ảnh minh họa

AN SINH VÌ CON NGƯỜI, QUYỀN CON NGƯỜI

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh việc thực hiện an sinh xã hội vì con người và quyền con người. "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Đầu năm 1946, khi trả lời báo chí nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ tâm nguyện: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Tư tưởng của Bác về chính sách xã hội và an sinh xã hội được Đảng ta phát triển và tổ chức thực hiện trong các văn kiện Đại hội Đảng. Trong đó, lần đầu tiên cụm từ “An sinh xã hội” được chính thức sử dụng trong Văn kiện Đại hội IX của Đảng (4/2001): “Khẩn trương mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội. Sớm xây dựng và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”. Đặc biệt, dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển hệ thống an sinh xã hội nước ta là Nghị quyết số 15-NQ/TW khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” với chủ trương đổi mới mô hình an sinh xã hội theo hướng xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; bảo đảm bền vững, công bằng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cháu thiếu nhi huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa _Ảnh: TTXVN

Sau 10 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, lĩnh vực xã hội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện ngày càng rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; kinh tế, xã hội phát triển toàn diện và hài hòa hơn. Điểm nổi bật là các chính sách xã hội không ngừng được hoàn thiện; từng bước nâng mức hỗ trợ và mở rộng diện bao phủ theo hướng công bằng, tiến bộ, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, cơ bản đảm bảo an sinh đối với người dân theo quy định của Hiến pháp. Việt Nam là quốc gia đi đầu trong giảm nghèo và thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs), các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và xã hội đặc biệt quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công và thân nhân người có công, trên 1,2 triệu người đang hưởng ưu đãi hàng tháng, cơ bản hỗ trợ dứt điểm đối với hộ người có công gặp khó khăn về nhà ở với 339.116 hộ người có công được hỗ trợ, đạt tỷ lệ 96,7% số hộ cần hỗ trợ sau rà soát, có 98,6% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng; thực hiện tốt việc quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ, tu bổ, nâng cấp nghĩa trang và công trình ghi công liệt sĩ. Cùng với đổi mới kinh tế, hội nhập, thể chế thị trường lao động từng bước được hoàn thiện, trở thành giải pháp cơ bản tạo việc làm bền vững; tỷ lệ thất nghiệp chung ổn định dưới 3%, thất nghiệp thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 67%.

Công tác giảm nghèo đạt kết quả nổi bật, về đích trước thời hạn theo mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ do Liên Hợp Quốc thông qua, là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao; đời sống, thu nhập của người nghèo được cải thiện đáng kể. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm bình quân 1-1,5%/năm, các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm. Thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2020 gấp  3,5 lần so với năm 2010. Bảo hiểm xã hội từng bước khẳng định vai trò là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, diện bao phủ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp không ngừng được mở rộng. Đến nay, bảo hiểm xã hội đã đạt tỷ lệ 38,08% người tham gia, bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện đạt 1,46 triệu người lao động tham gia.

Chính sách trợ giúp xã hội đã mở rộng đối tượng, điều chỉnh mức hưởng. Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng hàng năm, đạt 3,3 triệu người năm 2022 (chiếm 3,5% dân số). Trợ giúp xã hội đột xuất đã bao phủ các nhóm đối tượng, bảo đảm người dân được hỗ trợ kịp thời khi gặp rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt, đã thực hiện rất thành công trong phòng, chống đại dịch COVID-19 đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội. Trong 3 năm 2020, 2021 và 2022 Chính phủ đã nhanh chóng, kịp thời triển khai 4 chính sách cứu trợ chưa từng có tiền lệ, với số tiền trên 120 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho trên 68 triệu lượt người lao động, 1,4 triệu người sử dụng lao động vượt qua khó khăn của đại dịch, đó là các Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021; Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 và Quyết định 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022. 

Mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển nhanh, phổ cập giáo dục từ cấp mầm non đến trung học cơ sở hoàn thành trước thời hạn; trẻ em đi học đúng tuổi cấp tiểu học đạt 99% từ năm 2015, cấp trung học cơ sở đạt trên 95% từ năm 2020, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt 97,85%. Đến năm 2022, bảo hiểm y tế toàn dân đã đạt độ độ bao phủ trên 92% dân số; tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 90%, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 10,8%; tỷ lệ dân số mắc bệnh lao còn khoảng 176/100.000 người (năm 2021). Nhà ở và điều kiện ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp ở đô thị, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và học sinh, sinh viên từng bước được quan tâm, cải thiện. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%, trong đó, 54% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn. Từ năm 2016 đã hoàn thành mục tiêu 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được phủ sóng phát thanh mặt đất và truyền hình mặt đất; đến năm 2020, 100% các xã có đài truyền thanh.

XÂY DỰNG HỆ THỐNG AN SINH, PHÚC LỢI XÃ HỘI BAO TRÙM, BỀN VỮNG

Mới đây, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thảo luận về 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2022 và quyết định ban hành một Nghị quyết mới với tên gọi “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu  sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới”. Trong đó, tinh thần của Nghị quyết nêu rõ: Đến năm 2030, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, bao trùm, toàn diện, hiện đại, thích ứng và bền vững; nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân bảo đảm cơ hội tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng tốt cho nhân dân, nhất là về nhà ở, y tế, giáo dục; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và hội nhập; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển việc làm bền vững; tạo điều kiện để mọi người dân phát huy tiềm năng, phát triển toàn diện và có thu nhập trung bình cao so với người dân các nước trên thế giới; quản lý phát triển xã hội hiệu quả, nghiêm minh, đi đôi với bảo đảm quyền con người, an ninh con người, an sinh xã hội.

Nghị quyết xác định tầm nhìn đến năm 2045-năm kỷ niệm 100 năm thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Việt Nam là quốc gia phát triển xã hội hiện đại, bền vững, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; người dân được đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, có thu nhập cao và có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong đất nước hùng cường, thịnh vượng. Tăng cường chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, tôn vinh đầy đủ đối với người có công với cách mạng theo tinh thần đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội; hỗ trợ nhà ở, giáo dục, đào tạo, việc làm, phát triển sản xuất và tiếp cận các dịch vụ xã hội cho người có công và thân nhân; bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú. Tập trung nguồn lực giải quyết các tồn đọng trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công, đặc biệt là xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; tiếp tục huy động sự tham gia của hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện các phong trào đền ơn đáp nghĩa.

Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế theo hướng bao phủ toàn bộ lực lượng lao động; đẩy mạnh cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội; đổi mới chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, hỗ trợ lao động nghèo, lao động nông nghiệp và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cùng với việc nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp khắc phục có hiệu quả việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm bền vững cho người lao động, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thất nghiệp; chú trọng đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp. Hoàn thiện hệ thống trợ giúp xã hội theo hướng trợ giúp cả vật chất và tinh thần, hỗ trợ người dân kịp thời khắc phục khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế, xã hội, thiên tai, dịch bệnh và các rủi ro khác. Từng bước bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, người cao tuổi, người khuyết tật, người di cư và gia đình có trẻ em; có chính sách bảo trợ xã hội đối với người không có khả năng lao động.

Phát triển mạng lưới dịch vụ trợ giúp xã hội giải quyết vấn đề bạo lực, bạo hành gia đình, phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi; kết nối và đẩy mạnh dịch vụ trợ giúp pháp lý; đổi mới công tác huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp xã hội, cứu trợ khẩn cấp; xây dựng các quỹ cứu trợ xã hội từ thiện nhiều cấp độ, quản lý các hoạt động từ thiện, nhân đạo công khai, minh bạch, hiệu quả. Phát triển nghề nghiệp công tác xã hội chuyên nghiệp, tăng cường phòng ngừa các vấn đề xã hội, phát hiện và can thiệp sớm các vấn đề của người dân; hỗ trợ người dân tự giải quyết các vấn đề và phát triển cộng đồng bền vững, toàn diện. Có giải pháp phù hợp ứng phó với vấn đề già hóa dân số, phát huy vai trò của người cao tuổi trong phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu, khả năng của họ; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; tăng cường huy động các hội, đoàn thể, khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản đối với người nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và từng bước nâng cao thu nhập của các hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm ổn định đời sống lâu dài cho người dân; triển khai cơ chế thí điểm phân cấp trọn gói thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi…      

 Minh Hoàng
Bộ Lao động, Thương binh và xã hội

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Tạp chí Tuyên giáo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây