Nội dung tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm bao gồm: tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hoá, đạo đức, lối sống lành mạnh; tác hại của tệ nạn mại dâm...
Ông Võ Văn Buôl tập huấn triển khai các quy định pháp luật cho các chủ cơ sở kinh doanh karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ trên địa bàn các huyện Dương Minh Châu
Mới đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị, thành phố tổ chức hội nghị tập huấn triển khai quy định pháp luật cho các chủ cơ sở kinh doanh karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ trên địa bàn các huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh.
Ông Võ Văn Buôl- Trưởng Phòng Phòng, chống tệ xã hội và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH cho biết, mục đích của việc tổ chức các tập huấn nhằm trang bị cho chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố những kiến thức cơ bản nhất về phòng, chống các tệ nạn xã hội và quy định pháp lý liên quan đến hoạt động của các cơ sở.
Tại các lớp tập huấn, những chủ cơ sở kinh doanh karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ được nghe triển khai các quy định của pháp luật, như Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Trong đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với một trong những hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương; dâm ô đối với người dưới 16 tuổi nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; sàm sỡ, quấy rối tình dục; khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng.
Một số nội dung chính trong Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, trong đó nhấn mạnh, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm là biện pháp quan trọng để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình chấp hành và tích cực tham gia hoạt động phòng, chống mại dâm.
Nội dung tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm bao gồm: tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hoá, đạo đức, lối sống lành mạnh; tác hại của tệ nạn mại dâm; các chủ trương, chính sách, biện pháp, những mô hình, kinh nghiệm và các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm. Việc tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm phải kết hợp với tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma tuý và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS.
Các cơ quan thông tin, tuyên truyền có trách nhiệm xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền thích hợp và phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân và mọi công dân về phòng, chống mại dâm.
Trách nhiệm của nhà trường và các cơ sở giáo dục khác trong tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm. Nhà trường và các cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm: tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mại dâm.
Nội dung tuyên truyền, giáo dục phải phù hợp với từng loại hình trường học, trình độ, lứa tuổi, giới tính của học sinh, sinh viên, học viên và phong tục, tập quán của các dân tộc; phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và UBND địa phương quản lý chặt chẽ học sinh, sinh viên, học viên; tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; động viên, khuyến khích học sinh, sinh viên, học viên tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm.
Ông Buôl giải thích rõ trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống mại dâm: gia đình có trách nhiệm giáo dục các thành viên của gia đình về lối sống lành mạnh, phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình văn hoá; phối hợp với cơ quan, tổ chức và Uỷ ban nhân dân địa phương trong việc giáo dục, quản lý thành viên của gia đình có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm, tạo điều kiện để họ hoà nhập cộng đồng.
Hướng dẫn những biện pháp trong phòng, chống mại dâm: dạy nghề, tạo việc làm để có thu nhập, xoá đói giảm nghèo là những biện pháp kinh tế - xã hội quan trọng nhằm ngăn ngừa sự phát sinh, phát triển tệ nạn mại dâm. Tổ chức chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm giúp người bán dâm hoà nhập cộng đồng.
Các cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể liên quan thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, chú trọng đối với người nghèo, người chưa có việc làm. Nhà nước có chính sách, biện pháp khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tổ chức chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm giúp người bán dâm hoà nhập cộng đồng.
Ông Buôl chỉ ra trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ: khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, cơ sở kinh doanh vũ trường, karaokê, xoa bóp, tắm hơi và các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm có trách nhiệm: ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động; đăng ký lao động với cơ quan quản lý lao động địa phương; không sử dụng người lao động dưới 18 tuổi làm những công việc ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể lực, trí lực và nhân cách của họ; thực hiện khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động theo quy định của pháp luật; cam kết chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tệ nạn mại dâm xảy ra tại cơ sở.
Cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke, xoa bóp, tắm hơi và các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm chỉ được hoạt động khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Chính phủ. Người lao động làm việc tại các cơ sở quy định tại khoản 1 Điều này phải chấp hành quy định về quản lý hộ khẩu và ký cam kết không vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.
Quản lý hoạt động báo chí, xuất bản, dịch vụ văn hoá, thông tin trong phòng, chống mại dâm: cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sản xuất, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, phổ biến những hình ảnh, vật phẩm, sản phẩm, thông tin có nội dung và hình thức đồi truỵ, khiêu dâm, kích động tình dục.
Quản lý sản xuất, lưu hành, sử dụng dược phẩm kích thích tình dục: Cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu và sử dụng dược phẩm kích thích tình dục phải tuân theo quy định của pháp luật.
Theo luật này, UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm: Tổ chức thực hiện phòng, chống mại dâm tại địa phương; lập hồ sơ, thống kê, phân loại đối tượng, cơ sở kinh doanh dịch vụ để có biện pháp phòng ngừa tệ nạn mại dâm; Tổ chức thực hiện việc quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người bán dâm và những người có hành vi liên quan đến mại dâm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Trách nhiệm của cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm: cơ sở chữa bệnh được thành lập theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm: Tổ chức học tập, giáo dục đạo đức, lối sống; tổ chức dạy nghề, lao động sản xuất và hướng nghiệp; chữa bệnh, phục hồi sức khoẻ và tôn trọng danh dự, nhân phẩm, tính mạng, tài sản của người bán dâm được đưa vào cơ sở chữa bệnh; Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.
Phát hiện, tố giác và đấu tranh trong phòng, chống mại dâm: Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện các hành vi được quy định tại Điều 4 của Pháp lệnh này phải thông báo hoặc tố giác kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi nhận được thông tin, tố giác phải kịp thời xem xét, xử lý và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khi có yêu cầu. Người phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng, chống mại dâm được bảo vệ và giữ bí mật; trường hợp bị thiệt hại tài sản thì được đền bù; nếu bị thương tích, tổn hại về sức khoẻ hoặc bị thiệt hại về tính mạng thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Đại Dương
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử
Ý kiến bạn đọc