Trường học khẩn trương phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ

Thứ ba - 26/09/2023 17:30 311 0

Bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu tăng nhanh, các trường học khẩn trương triển khai các biện pháp phòng ngừa.

Những ngày gần đây, bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu tăng nhanh, nhiều nhất tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Trước tình hình trên, trường học khẩn trương triển khai các biện pháp phòng ngừa.

Trẻ bệnh đau mắt đỏ cần được thăm khám và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa mắt.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều trường hợp bị đau mắt đỏ, với số ca tăng liên tục trong trường học. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh ghi nhận hơn 5.130 ca mắc tại 9 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, trường học là môi trường khiến bệnh lây lan nhanh và nhiều.

Con đau mắt đỏ, cả nhà bị lây

Đưa con gái đi khám mắt tại phòng khám tư nhân, chị Nguyễn Thanh Trang (46 tuổi, phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành) cho biết, cách đây 5 ngày, Huỳnh Như (15 tuổi, con gái chị Trang) bị bệnh đau mắt đỏ và phải nghỉ học.

Hiện tại, tình trạng của em đã khá hơn, các triệu chứng giảm dần, tuy nhiên, thời điểm đó chị Trang bắt đầu xuất hiện các triệu chứng tương tự: mắt đổ ghèn, sưng đỏ, xốn, chảy nước mắt. “Tuần trước cháu đi học về, thấy mắt bị ghèn, sưng, nghi ngờ bệnh đau mắt đỏ nên tôi đưa cháu đi khám. Điều trị tới nay đã giảm, cháu phải nghỉ học, rồi lây bệnh cho tôi. Nhà tôi có 6 người, có lẽ khó tránh khỏi bị lây bệnh”- chị Trang nói.

Tương tự, cháu Tuấn Tú (lớp 5 Trường Võ Thị Sáu, phường 3, TP. Tây Ninh) phải nghỉ học 4 ngày vì đau mắt đỏ. Trong lớp cháu ghi nhận thêm 9 học sinh khác mắc bệnh. Các trường học khác như tiểu học Trần Phú, Đoàn Thị Điểm (TX. Hoà Thành) cũng ghi nhận nhiều học sinh đau mắt đỏ phải nghỉ học; tại trường tiểu học Tôn Thất Tùng (TP. Tây Ninh), 11 học sinh khối lớp 2, lớp 5 phải nghỉ học trong tuần đầu tiên của năm học mới.

Tại Trường mầm non Hướng Dương (huyện Dương Minh Châu) ghi nhận nhiều trẻ mắc bệnh. Hầu hết các trẻ bị mắc bệnh, khi nghỉ học ở nhà đều lây lan sang cha, mẹ, hoặc người thân chung nhà. “Chúng tôi đã cố gắng giữ vệ sinh nhà cửa và chăm sóc con trẻ cẩn thận, nhưng bệnh dễ lây lan, một đứa con mắc bệnh là cả nhà bị lây”- một phụ huynh cho hay.

Nhà trường tăng cường vệ sinh, khử khuẩn

Ngày đầu tuần, nhưng Trường tiểu học Kim Đồng có 51 em học sinh phải xin nghỉ ở nhà do đau mắt đỏ. Từ đầu năm học (ngày 5.9) đến nay, trường này đã có 120/1.393 em mắc bệnh; có lớp ghi nhận cùng lúc 15 em mắc bệnh trong một ngày.

Theo thầy Nguyễn Đình Thảo- Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng, ngay khi nắm được tình hình bệnh đau mắt đỏ, thông qua các nhóm Zalo, trường đã tăng cường tuyên truyền cũng như gửi thông báo cho phụ huynh, nhắc nhở, hướng dẫn cách vệ sinh cho trẻ tại nhà, vệ sinh khử khuẩn đồ dùng, tránh lây lan các bé khác.

Học sinh có dấu hiệu bị đau mắt đỏ, phụ huynh cần nhanh chóng đưa con em mình tới cơ sở y tế thăm khám và cho bé nghỉ học đến khi khoẻ lại. Nhà trường nhắc nhở các giáo viên chủ nhiệm báo cáo số học sinh mắc bệnh mỗi ngày để kịp thời thông báo đến phụ huynh học sinh.

“Chúng tôi vận động phụ huynh cho con em mình nghỉ ở nhà để chăm sóc nếu cháu có dấu hiệu đau mắt đỏ như: ngứa, chảy nước mắt, sưng mắt, sốt… khi các cháu khoẻ mạnh mới trở lại trường học nhằm tránh lây lan cho các bạn cùng lớp”- thầy Nguyễn Đình Thảo nói.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng cho biết thêm, nhà trường đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa, nhắc nhở học sinh rửa tay trước khi vào lớp, sau giờ chơi, trước và sau giờ ăn, tăng cường vệ sinh, khử khuẩn các phòng học, nhà vệ sinh, lan can, tay vịn cầu thang, vệ sinh đồ chơi, khử khuẩn mỗi ngày.

“Do đã có kinh nghiệm trong phòng, chống dịch Covid-19 nên hầu hết cán bộ, giáo viên nhà trường đều nắm bắt tình hình bệnh đau mắt đỏ kịp thời, các phụ huynh cũng phối hợp rất tốt với trường trong việc chăm sóc, nhắc nhở học sinh”- thầy Thảo cho biết.

Trên địa bàn thành phố Tây Ninh đã có nhiều trường học ghi nhận số bệnh nhân bị đau mắt đỏ tăng nhanh mỗi ngày. Một số trường học dù chưa ghi nhận ca bệnh nhưng vẫn chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng mắc bệnh đau mắt đỏ.

Số liệu thống kê của Trung tâm Y tế TP. Tây Ninh, tính đến thời điểm hiện tại, 56 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT đã ghi nhận 1.978 ca mắc bệnh đau mắt đỏ. Riêng trong ngày 18.9, số ca mắc mới lên đến 680 ca, chủ yếu tại các trường mầm non, tiểu học. Trong đó, Trường tiểu học Võ Trường Toản (phường Ninh Thạnh) ghi nhận 74 ca, Trường tiểu học Trần Quốc Toản (phường 1) 58 ca. Ở cấp THCS, Trường THCS Trần Hưng Đạo (phường 2) ghi nhận cao nhất, 42 ca; kế đến là THCS Nguyễn Thái Học (phường Ninh Thạnh) 24 ca.

Không riêng các trẻ mầm non, tiểu học, THCS, một số trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX cũng đã ghi nhận gần 30 học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ. Dự báo số ca mắc bệnh tiếp tục tăng trong vài ngày tới.

Bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) thường do các tác nhân virus gây ra (adenovirus, enterovirus, coxsackie…). Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với nước mắt và các chất tiết của mắt có mang virus gây bệnh từ người bệnh. Không có chuyện bệnh đau mắt đỏ lây lan qua đường nước uống. Bệnh lây lan nhanh nhưng dễ phòng ngừa, tuy nhiên, người dân không nên chủ quan mà cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế, tránh để bệnh biến chứng và lây lan nhanh thành dịch, nhất là trong trường học. 

Ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 3409/SGDĐT-GDTrH về việc tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng, chống, thu dung, điều trị bệnh đau mắt đỏ.

Theo đó, Giám đốc Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh khuyến khích cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên trong nhà trường thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và sử dụng nước sạch. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng.

Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang...; vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

Hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác. Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Khi phát hiện người dạy, người học có triệu chứng bệnh như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, đỏ mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm, cần hướng dẫn đi khám ngay tại cơ sở y tế để được kiểm tra, tư vấn và điều trị kịp thời.

Không nên tự ý điều trị khi chưa được hướng dẫn bởi cán bộ y tế để tránh biến chứng nghiêm trọng. Trong trường hợp cần thiết, hiệu trưởng có thể đưa ra quyết định cho người dạy, người học nghỉ học để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Đồng thời, báo cáo số lượng giáo viên, học sinh bị đau mắt đỏ trước 16 giờ hằng ngày.

Đối với các trường hợp khẩn cấp, các đơn vị, trường học báo cáo ngay về Văn phòng Sở GD&ĐT, trung tâm y tế hoặc UBND địa phương để có phương án phối hợp, xử lý kịp thời.

Tâm Giang

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây