Chiều 2.7, ĐBQH Nguyễn Trọng Nghĩa- Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV.
Các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri.
Hội nghị được tổ chức tại hội trường UBND Thành phố Tây Ninh, với sự tham dự của trên 200 cử tri là lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, lực lượng vũ trang, các tổ chức dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Thay mặt Đoàn, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương- Bí thư Huyện uỷ Gò Dầu báo cáo cử tri kết quả kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV; ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 7.
Theo ĐBQH Huỳnh Thanh Phương, sau 27,5 ngày làm việc, Quốc hội khoá XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp thứ 7 với khối lượng công việc rất lớn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Về công tác nhân sự, Quốc hội đã bầu Chủ tịch Quốc hội khoá XV đối với ông Trần Thanh Mẫn; bầu Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Tô Lâm; bầu Phó Chủ tịch Quốc hội khoá XV đối với bà Nguyễn Thị Thanh; bầu Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XV đối với bà Nguyễn Thanh Hải; phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lê Thành Long; phê chuẩn Uỷ viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh và tiến hành công tác nhân sự khác theo thẩm quyền.
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương– Bí thư Huyện uỷ Gò Dầu báo cáo kết quả kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV.
Các dự án luật và nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có nhiều vấn đề được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.
Cử tri phấn khởi khi tại kỳ họp, Quốc hội thống nhất giao Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở (khu vực công) từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%); điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6 năm 2024); đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng; điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).
Cử tri Nguyễn Thế Tân (Đoàn Luật sư Tây Ninh) phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.
Một nội dung cũng được nhiều cử tri quan tâm đó là tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với nhiều điểm mới. Cụ thể như quy định về trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần quy định của Luật Người cao tuổi về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi (theo Điều 21 dự thảo Luật quy định 75 tuổi và quy định “Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ”); mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến một số nhóm đối tượng; giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản với mức là 2 triệu đồng cho mỗi con mới sinh do ngân sách Nhà nước bảo đảm…
ĐBQH Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu và trả lời ý kiến cử tri.
Cử tri đánh giá cao chất lượng kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV và tinh thần trách nhiệm, sự chuyên nghiệp của từng vị ĐBQH. Các luật được Quốc hội ban hành gần đây có hiệu lực thi hành sớm, các văn bản dưới luật cũng được Chính phủ và các bộ, ngành liên quan ban hành kịp thời để đưa các luật sớm đi vào cuộc sống. Cử tri cũng bày tỏ sự phấn khởi khi một số nội dung cử tri phản ánh, kiến nghị trong các kỳ tiếp xúc cử tri đã được tiếp thu, được đưa vào luật, đơn cử là quy định bảo vệ an ninh các phiên toà trong Luật Tổ chức Toà án Nhân dân (sửa đổi).
Đối với vấn đề cải cách tiền lương, cử tri cho rằng, việc tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức cần tiếp tục được quan tâm, quyết liệt hơn để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương gắn với vị trí việc làm.
Cử tri mong trong các kỳ họp tới, Quốc hội quan tâm thảo luận nhiều hơn về vấn đề giáo dục và đào tạo, mặc dù giáo dục và đào tạo được cải cách liên tục nhưng đâu đó vẫn còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của người dân.
ĐBQH Nguyễn Trọng Nghĩa– Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thông tin tới cử tri một số nội dung cử tri đặt vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển giáo dục.
Về phát triển kinh tế, Quốc hội cần đặt ra các chỉ tiêu bình ổn nền kinh tế vĩ mô làm cơ sở để Chính phủ bám sát thực hiện và cần quan tâm vấn đề biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh của các doanh nghiệp.
Các nội dung cử tri đặt ra tại buổi tiếp xúc được ĐBQH Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, trả lời tại hội nghị.
Tại buổi tiếp xúc cử tri Tây Ninh, ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết ông cảm nhận không khí phấn khởi, tinh thần đoàn kết, đổi mới tư duy khát vọng vươn lên. Cử tri đồng tình với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước và cũng gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng về thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chính sách an sinh xã hội - đây là một trong những chính sách lớn, rất quan trọng của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Các vị ĐBQH chụp ảnh lưu niệm với cử tri Tây Ninh.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng thông tin tới cử tri một số nét nổi bật, đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế, nỗ lực nâng cao chỉ số hạnh phúc, chỉ số phát triển con người song hành cùng sự tăng trưởng GDP của Việt Nam. Đồng thời, ông cũng dành thời gian thông tin về một số định hướng lớn của Đảng, Nhà nước trong phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử
Ý kiến bạn đọc